Theo báo cáo của DHL Express, thị trường thương mại điện tử B2B toàn cầu dự đoán tăng hơn 70%, đạt mức 20.900 tỷ USD năm 2027.
Công bố nghiên cứu thị trường thương mại điện tử toàn cầu của DHL Express chỉ ra rằng hế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) là đối tượng tiềm năng, chiếm đến 73% tỷ lệ quyết định các dự án kinh doanh B2B của doanh nghiệp thương mại điện tử.
Theo DHL, Millennials sẽ là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng trong các giao dịch B2B. Đây là thế hệ hiểu biết và có kiến thức sâu rộng, vững chắc về các nền tảng kỹ thuật số và công nghệ hiện nay. Nhóm này đồng thời chiếm số đông các vị trí trọng yếu, có quyền đưa ra quyết định và sức ảnh hưởng trong các doanh nghiệp. Trải nghiệm cá nhân của họ trong lĩnh vực kinh doanh B2C cũng khiến họ đặt kỳ vọng cao hơn khi lên kế hoạch và triển khai các hoạt động B2B.
Cũng trong báo cáo này, DHL đưa ra dự đoán 80% tất cả giao dịch giữa nhà cung cấp với khách hàng doanh nghiệp sẽ diễn ra trên các nền tảng thương mại điện tử và những kênh kỹ thuật số khác vào năm 2025. Xu hướng này hiện được thiết lập vững chắc và dự kiến tồn tại lâu dài kể cả sau đại dịch. Nhờ đó, thương mại điện tử B2B càng khẳng định vị thế, trở thành cơ hội và xu hướng tất yếu cần được đẩy mạnh để các doanh nghiệp hoàn thiện chuyển đổi số và có bước đột phá trong kinh doanh.
Trong một báo cáo khác từ UNCTAD (Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển) công bố ngày 3/5, số liệu ghi nhận cũng cho thấy B2B đang là mô hình thống trị thương mại điện tử những năm gần đây (2017-2020).
Báo cáo ước tính giá trị mô hình này trên toàn cầu vào năm 2019 là 21.800 tỷ USD, chiếm 82% tổng giá trị, bao gồm cả doanh số bán hàng trên các nền tảng trực tuyến và giao dịch chuyển đổi dữ liệu điện tử (EDI). Trong đó, Mỹ tiếp tục thống trị thị trường e-commerce nói chung. Nhật Bản và Trung Quốc giữ hai vị trí tiếp theo.
Bên cạnh B2B, doanh số thương mại điện tử B2C cũng tăng trưởng vượt trội với ước tính đạt 4.900 tỷ USD trong năm 2019, tăng 11% so với năm 2018. Ba quốc gia hàng đầu theo doanh số thương mại điện tử B2C vẫn là Trung Quốc, Mỹ và Anh. E-commerce B2C xuyên biên giới đạt khoảng 440 tỷ USD năm 2019, tăng 9% so với năm 2018. Ngoài ra, báo cáo của UNCTAD cũng lưu ý rằng tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mua hàng xuyên biên giới đã tăng từ 20% trong năm 2017 lên 25% vào năm 2019.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2020, doanh số bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng trưởng rõ rệt ở một số quốc gia. Cụ thể, báo cáo tỷ trọng tại Hàn Quốc đạt mức cao nhất với 25,9% vào năm 2020, tăng 5,1% so với năm ngoái.
Trong khi đó, doanh số thương mại điện tử toàn cầu đã tăng lên 26.700 tỷ USD vào năm 2019, tăng 4% so với năm 2018, theo ước tính mới nhất hiện có. Số liệu trên bao gồm cả doanh số bán hàng B2B và B2C, tương đương với 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm đó.
“Những thống kê này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các hoạt động trực tuyến. Chúng cũng chỉ ra nhu cầu tiêu dùng lớn của toàn cầu, nhất là các quốc gia đang phát triển. Đây đều là những thông tin hữu ích, giúp các doanh nghiệp dễ xây dựng chiến lược phục hồi hậu Covid-19”, bà Shamika Sirimanne, Giám đốc công nghệ và logistics của UNCTAD cho biết.
Thái Nghiên (Theo Reuters)